Tôi vừa có dịp theo chân các đoàn viên là đại biểu tham dự Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công ty Điện lực Quảng Trị vào viếng và dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị, cũng là lần đầu tiên tôi có cơ hội đến thăm nơi này, nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt mùa hè đỏ lửa năm 1972 để giành lại từng tấc đất từ tay quân xâm lược. Bước mỗi bước chân trên mảnh đất Thành Cổ, có lẽ ai cũng cảm nhận được sự linh thiêng của mảnh đất này, nơi máu chiến sĩ hòa với gạch đá, mỗi centimet đất đều thấm đẫm máu các anh.
Như bao nhiêu người trẻ khác, tôi được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã sạch bóng quân thù, không còn cảnh bom đạn gieo trên đầu cùng những tiếng súng nổ gầm trời. Chúng tôi, những thế hệ đang được hưởng trọn vẹn hòa bình, tự do và hạnh phúc mà cha ông chúng tôi đã đắp đổi bằng máu xương.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Trị là một trong những chiến trường khốc liệt nhất. Hai chữ “Quảng Trị” không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng.
Có dịp theo chân các đoàn viên là đại biểu tham dự Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công ty Điện lực Quảng Trị vào viếng và dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị, đây cũng là lần đầu tiên tôi có cơ hội đến thăm nơi này - nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt mùa hè đỏ lửa năm 1972 để giành lại từng tấc đất từ tay quân xâm lược, bước mỗi bước chân trên mảnh đất Thành Cổ, có lẽ ai cũng cảm nhận được sự linh thiêng của mảnh đất này, nơi máu chiến sĩ hòa với gạch đá, mỗi centimet đất đều thấm đẫm máu các anh. Bước rất nhẹ trên Thành Cổ, khẽ đọc những lời thơ của nhà thơ Phạm Đình Lân mà lòng se sắt:
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời cũng tự trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh cành cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào...

Đến dâng hương tại "Đài tưởng niệm trung tâm” - nấm mộ chung ở Thành Cổ Quảng Trị (Ảnh: Minh Diệp)
Nơi tôi đứng đây, 50 năm trước đầy máu và lửa giờ đây là những thảm cỏ xanh rờn trải rộng hòa lẫn xương máu của các anh, hơn bao giờ hết lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và những xúc cảm cứ dâng trào mãnh liệt. “Cỏ non Thành Cổ, một màu xanh non tơ. Bình minh Thành Cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa… Nào ai có ngờ, nơi đây một thời máu đổ. Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về. Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ, thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. Cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hy sinh cho hạnh phúc quê mình”. Từng ca từ sâu lắng và thiết tha của bài hát "Cỏ non Thành Cổ" của nhạc sĩ Tân Huyền đưa bao người về miền ký ức một thời hoa lửa, kết nối quá khứ với hiện tại như nhắc nhở mỗi người luôn ghi nhớ và trân quý những gì mà thế hệ cha anh đã cống hiến và hy sinh.
Đến với Thành Cổ Quảng Trị không chỉ là đến với một di tích lịch sử mà còn là đến với một nghĩa trang, một nghĩa trang không có nấm mồ. Khác với Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn hay các nghĩa trang khác, ai nằm xuống dù biết tên hay chưa đều có một ngôi mộ riêng. Nhưng ở Thành Cổ Quảng Trị các anh, các chị chỉ có một ngôi mộ tập thể, một nấm mộ chung đó chính là “Đài tưởng niệm trung tâm”.
Đạn bom cũng đã đi qua, thời hoa lửa lùi xa trong trí nhớ. Qua bao thăng trầm lịch sử, Thành Cổ Quảng Trị vẫn ở đó, là nhân chứng cho những tội ác của chủ nghĩa thực dân và đế quốc, cũng là nhân chứng cho những nỗi đau bi thương của cả dân tộc, mẹ mất con, con mất cha, vợ mất chồng. Để bảo vệ Thành Cổ, hàng vạn Anh hùng, Liệt sỹ là những người con yêu quý trên khắp mọi miền Tổ quốc vì một lý tưởng cao đẹp đó là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân cùng bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị yêu thương.

Tạm biệt Thành cổ Quảng Trị với những xúc cảm còn nguyên vẹn, trong lòng mỗi chúng tôi - những đoàn viên trẻ của Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Quảng Trị đều thầm cảm thấy tự hào vì mình là người được lựa chọn trong chuyến đi này (Ảnh: Minh Diệp)
Được sinh ra trong thời bình là một sự may mắn đối với thế hệ trẻ ngày nay, có thể sự khác biệt giữa việc sinh ra trong thời bình và thời chiến là rất lớn nhưng có một điều không bao giờ thay đổi là lòng yêu nước mãnh liệt vẫn sẽ mãi cháy trong tim mỗi người. Thành Cổ Quảng Trị tiễn chúng tôi với những xúc cảm còn nguyên vẹn. Mỗi chúng tôi - những đoàn viên trẻ của Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Quảng Trị càng thấm thía hơn những hy sinh, mất mát của một thế hệ những người con đất Việt đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Những điều mà trước đây, thế hệ trẻ như tôi chỉ biết đến qua những bài học lịch sử, thì nay, mọi thứ được tái hiện trước mắt, hào hùng và xúc động. Những cô thanh niên xung phong, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Tuổi trẻ của họ chỉ hướng về một lý tưởng duy nhất: Tổ quốc - đồng bào.
Chợt nghĩ, có những lúc nản chí vì áp lực công việc, những khi gặp khó khăn muốn chùn bước… thì nay ai cũng lại muốn cố gắng nhiều hơn, muốn được đóng góp nhiều hơn cho đơn vị, cho quê hương, đất nước mình. Trong lòng mỗi người đều thầm cảm thấy tự hào vì mình là người được lựa chọn trong chuyến đi này, bất cứ thời đại nào, mỗi một chúng ta nhất là thế hệ thanh niên trẻ cũng luôn phải ý thức vai trò trách nhiệm của mình đối với đất nước, xác định cho mình một lý tưởng sống cao đẹp, giàu tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hăng say trong lao động, học tập, không ngừng rèn đức luyện tài, đoàn kết với đồng nghiệp, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng đã được đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ đi trước.