Viết về những người thợ áo cam trong đại dịch

08:59 - 21/10/2021  |  1417 lượt xem

Chia sẻ
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với các lực lượng tuyến đầu chống dịch, ngành điện luôn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện với nhiều phương án ứng trực được xây dựng sẵn sàng cho các tình huống. Những người lính áo cam đã thầm lặng góp sức mình vào mục tiêu chung trong công cuộc phòng, chống dịch.
Viết về những người thợ áo cam trong đại dịch

Các đơn vị ngành điện tổ chức trực vận hành “ba tại chỗ” và duy trì tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh

Dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình xa cách, mất mát, cùng với đó là hậu quả vô cùng to lớn cho đất nước, nền kinh tế, áp lực mưu sinh đè nặng lên mỗi con người. Đại dịch đã lấy đi quá nhiều thứ, trong đó có cuộc sống bình thường của mỗi người. Trong bối cảnh đó, những chiến sĩ áo trắng, các y bác sỹ và cả lực lượng vũ trang thuộc các ngành an ninh, quân đội… là những người nằm trong hàng ngũ “tuyến đầu chống dịch”. Trong hoàn cảnh khó khăn, họ trực tiếp gánh vác trên vai sứ mệnh cứu người, ngăn chặn và nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.

Cũng trong đại dịch lần này, chính những người thợ điện bình thường với bộ áo cam giản dị của chúng ta cũng đang hòa mình vào công cuộc chung với nhiệm vụ bảo vệ dòng điện được thông suốt, đảm bảo cho người dân luôn có điện để sử dụng. Đặc biệt, ngành điện luôn ưu tiên cấp điện cho các bệnh viện, cơ sở y tế, các khu cách ly… Hầu hết, các khu vực này đều được bố trí máy phát dự phòng cùng lực lượng trực xử lý sự cố, sẵn sàng cấp điện trong các tình huống khẩn cấp, không để tình trạng mất điện xảy ra vì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cứu chữa bệnh, đến mạng sống của bệnh nhân.

Nếu như các chiến sỹ công an, bộ đội, các y bác sỹ thường xuyên được điều động thực hiện các nhiệm vụ, không ở bên gia đình thì ngành điện cũng tập trung lực lượng để trực xử lý sự cố, sửa chữa điện, điều độ hệ thống… Nhiều CBCNV ngành điện nhiều tháng liền không được về nhà mà ở hẳn đơn vị, thực hiện “ba tại chỗ” để đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch. Họ tạm gác lại những bộn bề của cuộc sống, những lo toan cho gia đình, con cái… Trong lúc này, sự ấm áp, san sẻ của tình cảm đồng nghiệp đã gắn kết họ. Người thợ điện cũng luôn chuẩn bị cho mình tâm lý vững vàng, cố gắng đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch an toàn vừa sản xuất hiệu quả. Các chủ trương phòng chống dịch Covid-19 của Nhà nước cũng được mỗi người, mỗi đơn vị nghiêm túc thực hiện.

Tôi vẫn còn nhớ như in những câu thơ trong bài thơ “Mấy tháng rồi” của tác giả Nguyễn Văn Sinh – Công ty Dịch vụ kỹ thuật Truyền tải điện 2 nói về những người thợ điện thầm lặng:

“Mấy tháng rồi sao ba không về mẹ?

Cứ đêm về con lại thấy vắng hoe

Bầy ve kia đã thôi hát đêm hè

Hàng phượng vĩ đã phai tàn sắc thắm…”

Những dòng tâm sự của em bé ngây thơ đã phần nào giãi bày nỗi nhớ nhung với người cha xa nhà, đang cùng đồng nghiệp ngày đêm chăm lo cho "sức khỏe" của dòng điện đất nước. Chúng ta không so sánh nhưng chúng ta thấu hiểu những vất vả của những người đồng nghiệp. Họ là những CBCNV làm công tác trực vận hành tại các nhà máy điện, bộ phận điều độ thao tác đóng cắt xử lý kịp thời các trường hợp sự cố phát sinh trên lưới, bộ phận hotline… và rất nhiều những con người thầm lặng khác. Trong mùa dịch, những vất vả nhân lên gấp bội, nhưng nghĩ về những mục tiêu chung, ai nấy đều tự dặn lòng cần cố gắng nhiều thêm một chút.

Mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau, vị trí công việc khác nhau, nhưng những người thợ điện cũng như bất cứ ai trong chúng ta đều có những tâm tư, nỗi niềm chung là mong ngày dịch bệnh được đẩy lùi, cuộc sống lại được trở về trạng thái bình thường. Với niềm mong mỏi và niềm tin ấy, chúng ta tiếp tục chung tay, cùng nhau bước qua đại dịch với một tâm thế thật vững vàng, đồng lòng, quyết tâm. Dòng điện vẫn vững tin thắp sáng trên mọi nẻo đường.

Nguyễn Ngọc Hà

08:59 - 21/10/2021  |  1417 lượt xem

Chia sẻ

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU