Đôi điều chia sẻ về công tác an toàn

14:40 - 29/11/2021  |  1343 views

Share
Năm 2021, bên cạnh các nhiệm vụ chủ đề công tác năm của EVNCPC, PC Đắk Lắk xác định là năm “An toàn để phát triển”, nhấn mạnh các nhiệm vụ công tác an toàn tại đơn vị. Công ty cũng đã có buổi trao đổi trực tuyến, tổ chức ký cam kết không để xảy ra mất an toàn lao động với cán bộ lãnh đạo, công nhân kỹ thuật liên quan về công tác an toàn – vệ sinh lao động, đồng thời phổ biến, phân tích đánh giá để rút kinh nghiệm các vụ tai nạn trong toàn Tổng công ty trong 03 năm gần đây. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, kết quả đạt được vẫn chưa cao, có thể do người nghe thiếu hứng thú hoặc vì đã được nghe nội dung này nhiều lần nên không chú tâm. Dù vậy, ai trong chúng ta cũng mong rằng qua đây sẽ có một điều gì đó đọng lại để chúng ta cùng nhau rút kinh nghiệm trong công tác hằng ngày.
Đôi điều chia sẻ về công tác an toàn

Với một ngành nghề đặc thù như ngành điện, công tác an toàn lao động luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu (ảnh minh họa)

Tôi vẫn còn nhớ trên một diễn đàn Hội thảo về kỹ năng giáo dục có người nói: “Không có học trò dốt, chỉ có thầy chưa giỏi”. Nhưng, chúng ta là doanh nghiệp, những người thầy “bất đắc dĩ” được xã hội, tổ chức phân công giao nhiệm vụ, công việc sư phạm chưa từng được trải qua nên việc truyền đạt những ý tưởng hay chuyên đề… thì rất khó tạo được nguồn cảm hứng cho người nghe. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, ở đây, tôi chỉ có chút chia sẻ và chỉ mong nhận được sự đồng lòng, đánh giá công tâm để chúng ta có thể đồng cảm với người truyền đạt, cũng là những người đã được tiếp cận nhiều thông tin, sớm hơn, sâu hơn và được phân công phổ biến những nội dung này đến mọi người. Chỉ có như vậy, chúng ta mới chủ động cùng nhau xâu chuỗi lại những nguyên nhân mất an toàn lao động trong sản xuất cũng như biết cách từ chối khi cảm thấy không an toàn. Nếu được như thế thì hy vọng những cuộc trao đổi sẽ mang lại hiệu ứng tích cực, biết lắng nghe và hiệu quả hơn. Vì suy cho cùng: “Mục tiêu của việc dạy dỗ học trò là làm cho trò có khả năng thích nghi với việc không có người thầy” - Elbert Hubbard.  

Ngoài công tác đào tạo, những người quản lý đôi lúc phải dũng cảm nhìn nhận và đối mặt với sự thật, bởi hệ thống quy trình hiện hành được xem là quá tốt, đủ đáp ứng và đảm bảo cho chuỗi dây chuyền sản xuất điện an toàn… nhưng đâu đó vẫn có một số cá nhân chưa tuân thủ nghiêm túc một cách tự giác. Thử nghĩ, mỗi chúng ta học và thi bằng lái xe chỉ một lần, có chăng chỉ là đổi bằng lái hết hạn hoặc kiểm tra nâng cấp, vi phạm bị tịch thu… nhưng lại được thực thi suốt quá trình còn đủ sức tham gia giao thông. Quá trình đó cũng có nhiều Thông tư, Nghị định… liên quan sửa đổi mà mỗi người lái xe phải tự cập nhật nếu không muốn bị cơ quan chức năng "tuýt cò". Còn ngành điện hằng năm đều được huấn luyện, kiểm tra sát hạch định kỳ đạt kết quả mới bố trí làm việc, vậy nhưng việc vi phạm quy trình, quy định vẫn xảy ra. Điều này do đâu? Rất mong các nhà quản lý nghiên cứu để có giải pháp phù hợp hơn. Có thể các anh công nhân nào đấy "may mắn" khi vi phạm không bị phát hiện, hoặc phát hiện nhưng được bỏ qua “vì lỗi nhỏ” và hơn cả là vi phạm nhưng không xảy ra tai nạn. Chứ mỗi vi phạm đều xảy ra tai nạn hay mỗi lần vượt đèn đỏ đều bị Công an giao thông phạt thì chẳng ai dám làm sai. Công nghệ 4.0 cũng đi vào cuộc sống phục vụ tốt công tác kiểm tra giám sát thao tác rất bài bản, tương tự như camera phạt nguội khi vi phạm giao thông thì tôi tin chắc còn rất ít, thậm chí sẽ không có vi phạm hoặc tai nạn lao động ở công đoạn này. Nhưng, tai nạn thì có nguy cơ xảy ra mọi lúc, mọi nơi, nhiều yếu tố tác động chứ không riêng gì về điện. Vậy nên, khi người thực thi nhiệm vụ chưa ý thức được việc tự bảo vệ mình mà luôn trông chờ vào sự may mắn… dẫn đến chủ quan và dần hình thành thói quen xấu thì khó tránh khỏi rủi ro.

Nhân đây, tôi xin trích một câu nói của một chị làm công tác điều dưỡng trong bài viết "Đồng nghiệp tôi mất vì Covid-19": “Làm nghề này, chứng kiến rất nhiều người mất, nhưng nhìn đồng nghiệp mất trên tay mình đó là điều gì rất khủng khiếp. Mất đi đồng nghiệp, chúng tôi như mất người thân”. Cũng là đồng nghiệp, ngành điện cũng giống ngành y, ai cũng rất xót xa khi phải chứng kiến những mất mát như thế. Tôi cũng như mọi người đều có gia đình, người thân, đồng nghiệp… Chúng ta công tác trong một ngành đặc thù với quá nhiều rủi ro và nguy hiểm mà chỉ một phút lơ là chủ quan đều có thể đánh đổi cả tính mạng hoặc thương tật suốt đời. Trước khi làm việc chúng ta nên nhớ đến hình ảnh người mẹ, người vợ và những đứa con thấp thỏm chờ đợi trong âu lo và những đồng nghiệp  đã từng “vấp ngã” mà sau đó là bao trùm sự đau thương cho gia đình, xã hội, để những sự việc ấy không trở thành vô nghĩa mà là bài học đắt giá cho mỗi chúng ta khi bước vào lằn ranh giữa tuân thủ và vi phạm quy trình. Hãy luôn ghi nhớ “An toàn để về nhà”.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều chỉ tiêu sản xuất kinh doanh phải chạy đua với thời gian, gấp rút hoàn thành. Hy vọng, câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này là lời tâm sự chân tình nhất để mọi điều tốt đẹp và an toàn nhất đến với mọi người, nhất là anh em công nhân trực tiếp công tác ngoài hiện trường. Chúc cho tất cả chúng ta "chân cứng đá mềm" và mong sao cho ý thức tuân thủ quy trình, quy định đều nằm trong tiềm thức, trở thành một thói quen tốt để khi làm việc phải đảm bảo an toàn tuyệt đối và mỗi người luôn phải biết tự bảo vệ mình.

Nguyễn Văn Sỹ

14:40 - 29/11/2021  |  1343 views

Share

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU